Câu ca dao đậm đà sâu nặng nghĩa tình đã đi vào tiềm thức muôn người dân Việt và lưu truyền lại từ bao đời nay.“Dù ai đi ngược về xuôi; Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba; Khắp miền truyền mãi câu ca; Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Đền Hùng - nơi cội nguồn, phát tích của Tổ quốc, dân tộc luôn là biểu tượng tôn kính, vinh hiển và linh nghiêm quy tụ: con người - đất- trời. Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ - Sinh trăm trứng, nở trăm con, 50 con theo Cha xuống biển, 49 con theo Mẹ lên núi, một con ở lại lập Vua Hùng tạo nên non sông nước Việt chúng ta. Vậy, Cha Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ là Thủy tổ người Việt.
Đền Hùng, tọa lạc núi Hùng Việt Trì, Phú Thọ, qua 18 đời Vua Hùng và gắn liền một ngày giỗ mồng 10 tháng 3 (âm lịch). Sách xưa có ý luận giải: Đây không phải là ngày chọn lựa, ấn định một cách chủ quan, một sự tình cờ, mà chứa đựng thông điệp nhất định của tổ tiên. Hùng Vương sinh ra từ Mẹ Tiên và Cha Rồng, (Tiên) ở trên trời, (Rồng) ở dưới nước (đất), Tiên và Rồng gặp nhau là sự giao hòa càn khôn (đất trời) tức là đức trời đất đã hàm ngụ ngay từ trong thân mẫu, đến ngày sinh thì được an định vào ngày mồng 10 tháng 3 cùng một ý đất trời lưỡng hợp vì mồng 10 là thập thiên cang chỉ đất trời, còn tháng 3 là cung Dần chỉ đức đất, bởi vì Dần là con vật mạnh nhất trong thập nhị đệ chi (12 con giáp) thể hiện sức mạnh. Sự kết hợp này cũng là thể hiện tên gọi đất nước thời sơ khai Văn Lang. Chữ Lang vừa có nghĩa là nước, vừa có nghĩa là người. Vậy theo nguyên nghĩa Văn chỉ sự giao thoa của trời và đất như được biểu thị bằng cách vẽ lên mình hình rồng chỉ đất mang mẫu áo lông chim chỉ trời. Đối với truyền thông Việt, yếu tố Văn được đề cao vượt bậc bên trên yếu tố võ nên nảy sinh một thứ tôn ti trật tự không đâu có, đó là “ Sĩ Nông Công Thương”, Sĩ đại diện cho Văn, xoắn xít với nhau trong mối tình tương thân tương trợ, quý trọng những giá trị tinh thần sống theo nhân nghĩa, sống theo tình người đây là tâm linh sử khoa của dân tộc, đó còn là đại cương ý nghĩa ngày Giỗ Tổ.
Xưa nay Lễ hội diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Tuy nhiên, lễ hội diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của người Mường, hành hương tưởng niệm các Vua Hùng của các cư dân làng Việt mọi miền đất nước, nhất là đồng bào vùng núi, Trung du Bắc bộ và lưu vực sông Hồng. Lễ rước kiệu và dâng hương ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) tại Đền Thượng là kết thúc Lễ hội. Lễ hội Đền Hùng đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Tại đền Hùng Bản ngọc phả viết nguyên mẩu thời Trần, đến thời Lê Sơ (vào năm 1470 vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601) sao chép đóng dấu kiềm, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê( tiền Lê), nhà Lý (hậu Lý) nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức (Lê sơ) vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”. Như vậy, có thể hiểu từ thời Lê sơ trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng tế, làm Giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm.
Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, sau cách mạng Tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến Lễ hội Đền Hùng, nơi phát tích, cội nguồn dân tộc, nơi nhắc nhỡ mọi người dân Việt nhận thức sâu xa về nghĩa sâu xa của hai từ “đồng bào” (cùng một bọc). Ngày 18 tháng 2 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN cho công chức nghỉ ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương. Và năm ấy năm Bính Tuất (1946), ngày Giỗ Tổ năm đầu tiên nước nhà độc lập Cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ đã dâng 1 tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và 1 thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về tình hình đất nước bị xâm lăng và thù trong giặc ngoài, Cụ cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần về viếng, thăm Đền Hùng (19/9/1954 và 19/8/1962). Tại đây, ngày 19/9/1954, Người đã để lại câu nói tại buổi gặp mặt và giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô.“Các Vua Hùng đã có công dựng nước- Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhưng ngày mồng 10 tháng 3 hàng năm Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo cho tỉnh Phú Thọ tổ chức tốt Giỗ Tổ Hùng Vương chu toàn.
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi rõ trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao phối hợp với các ngành chức năng đã tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ mồng 01 tháng 3 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch). Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06/11/2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng 3 ( âm lịch). Kể từ đây, ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Quốc Lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt ngày 06/12/2013, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại Paris Cộng hòa Pháp đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định của UNESCO nêu cụ thể: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.”
Như vậy, ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) hoạt động văn hóa của bao thế hệ người dân Việt Nam thể hiện lòng thành kính tri ân dâng đến các Vua Hùng và các bật tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước cho dân tộc, không chỉ nhân dân Phú Thọ, hay miền núi phía Bắc, Trung du, đồng bằng Bắc bộ, 54 dân tộc anh em sinh ra từ bọc trứng Mẹ Âu mà đến nay được nhân loại công nhận, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua ngày mồng 10 tháng 3 (âm lịch) mỗi người dân Việt Nam ngẫm về Tổ tiên của người Việt ta là con một nhà. Không chỉ tưởng niệm mà phục hoạt lại tinh thần Văn Lang Quốc bằng cách học hỏi và hiện thực để làm sáng tỏ tinh thần Việt Nam, không những để mình mãi mãi xứng đáng là con Hồng cháu Lạc mà hơn thế nữa tạo nền tảng văn hóa tinh thần đóng góp cho công cuộc xây dựng hình ảnh đất nước và con người con Việt Nam trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa hiện nay. Thông qua Văn hóa tâm linh, lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, gắn kết cộng đồng, từ đó nâng cao thêm, bồi đắp thêm lòng tự hào dân tộc trước cộng đồng quốc tế./.