Ngay từ đầu, Thanh Hóa đã xác định công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng xã nông thôn mới là yếu tố định hướng, làm cơ sở để thực hiện các nội dung khác của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, có khó khăn đến đâu cũng phải nỗ lực để thực hiện cho được mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thanh Hóa là tỉnh có diện tích rộng, phân bố ở ba vùng đồng bằng, ven biển và trung du miền núi, có số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn nhất cả nước (585/9.121 xã), trong khi số đơn vị tư vấn làm quy hoạch trên địa bàn không nhiều, chức năng hành nghề của các đơn vị đa phần chỉ đáp ứng được một nội dung quy hoạch nông thôn mới. Các đơn vị ngoài tỉnh ít tiếp cận đến Thanh Hóa, vì vậy, làm cho tiến độ triển khai, chất lượng tư vấn khó đáp ứng yêu cầu cho việc lập quy hoạch, sự liên kết giữa các đơn vị tư vấn với nhau trong việc lập quy hoạch đối với một xã gặp bất cập.
Không chỉ vậy, với khối lượng công việc nhiều, mới và với 3 loại quy hoạch khác nhau mà nguồn vốn phân bổ cho các địa phương còn hạn hẹp, kinh phí cho các loại quy hoạch cũng chưa được xác định rõ ràng cũng là một trong những bài toán khó đặt ra cho tỉnh trong khi triển khai quy hoạch nông thôn mới.
Mặt khác, trình độ năng lực và trách nhiệm của cán bộ, nhất là cán bộ cấp xã còn hạn chế, nhiều xã chưa đóng vai trò chủ thể trong ý tưởng quy hoạch mà còn phụ thuộc hoặc phó mặc cho đơn vị tư vấn, trong khi cùng một lúc, một số đơn vị tư vấn làm nhiều xã nên dẫn đến chất lượng khảo sát không cao, nhiều hiện tượng sao chép xảy ra.
Trong khi đó, việc hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương cho mỗi loại quy hoạch nông thôn mới là không đồng nhất về thời gian, chưa có mối quan hệ phối hợp và cách diễn đạt khác nhau làm cho các địa phương nói chung và Thanh Hóa nói riêng còn hiểu chưa rõ ràng và lúng túng. Cụ thể, theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, công tác quy hoạch bao gồm 3 nội dung cơ bản, đó là: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới; Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư đã có theo hướng văn minh, bảo toàn được bản sắc văn hóa tốt đẹp. Còn tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung quy hoạch gồm: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội - môi trường; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã. Trong khi Thông tư Liên tịch số 26/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC hướng dẫn phần quy hoạch gồm: Quy hoạch sử dụng đất bố trí dân cư và hạ tầng công cộng theo chuẩn nông thôn mới; Quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông nghiệp (bao gồm: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp), đất cho sản xuất công nghiệp - dịch vụ và hạ tầng phục vụ sản xuất kèm theo.
Như vậy, từ Quyết định số 491/QĐ-TTg đến Quyết định số 800/QĐ-TTg và Thông tư Liên tịch số 26/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC thì phần quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đều thay đổi tên gọi cũng như nội dung.
Nhằm khắc phục những khó khăn trên và để hoàn thành công tác lập quy hoạch xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh để thống nhất các nội dung quy hoạch trong một bản thuyết minh và ngày 11/5/2011 Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1457/QĐ-UBND về hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Trên cơ sở đó, tất cả các xã trên địa bàn tỉnh triển khai lập quy hoạch năm 2011 theo hướng dẫn tại Quyết định 1457/QĐ-UBND. Quy hoạch xã nông thôn mới của tỉnh ra đời đã phần nào giải quyết được những khó khăn vướng mắc, đó là: Hạn chế sự tham gia của nhiều đơn vị tư vấn trên cùng một địa phương dẫn đến sự chồng chéo trong một số nội dung quy hoạch làm địa phương lúng túng; Sự thống nhất một bản thuyết minh sẽ tránh hiện tượng trùng lắp trong đánh giá hiện trạng, giải pháp thực hiện, bản đồ, bản vẽ, dẫn đến tiết kiệm thời gian, đảm bảo việc hoàn thành công tác lập quy hoạch theo thời gian đề ra; Sự hợp nhất các quy hoạch đã một phần nào đảm bảo mức kinh phí lập quy hoạch đối với các xã, dẫn đến việc tiết kiệm được nguồn ngân sách nhà nước, tránh lãng phí. Thực tế, công tác lập quy hoạch ở những xã triển khai trước khi có chủ trương (3 trong 1) đều có mức từ 350 triệu đến 800 triệu đồng/xã. Nhưng khi có Quyết định 1457/QĐ-UBND của tỉnh về quy định mức kinh phí áp dụng cho 2 vùng: Xã miền núi là 215,5 triệu đồng và xã vùng đồng bằng, trung du là 231,8 triệu đồng, cách làm này đã tiết kiệm được một phần lớn cho ngân sách nhà nước.
Cùng với đó, Thanh Hóa có chủ trương không chờ đợi hoàn thành quy hoạch mới lập đề án mà được tiến hành đồng thời, vừa nâng cao khả năng đánh giá thực trạng nông thôn, vừa phục vụ công tác lập quy hoạch và đề án, tranh thủ được sự phối hợp giữa lực lượng cán bộ của xã với đơn vị tư vấn; tạo điều kiện gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn; đặc biệt là tạo điều kiện cho cơ sở tổ chức triển khai những phần việc mà không phải chờ quy hoạch, đề án, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ngày 28/10/2011 Liên Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư Liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNN&PTNT-BTN&MT về việc quy định lập, thẩm định, phê duyệt, nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xã nông thôn mới (gọi tắt là quy hoạch xã nông thôn mới). Thông tư này đã thống nhất 3 quy hoạch trong một bản thuyết minh, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội - môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp. Về cơ bản phù hợp với những nội dung Thanh Hóa đã triển khai. Như vậy, Thanh Hóa đã đi trước một bước trong công tác lập quy hoạch “3 trong 1”. Nhờ đó, Thanh Hóa đã hoàn thành quy hoạch và lập đề án các xã lập quy hoạch nông thôn mới. Nhìn chung, các đồ án quy hoạch và đề án đã được phê duyệt chất lượng đạt.
Với cách làm sáng tạo, phù hợp, Thanh Hóa bước đầu đã đạt những kết quả quan trọng trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần vào kết quả chung của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình đó, tỉnh vẫn còn một số vấn đề tồn tại, như: Cơ bản mới có quy hoạch chung, chưa có quy hoạch chi tiết, chưa triển khai cắm mốc quy hoạch; bên cạnh đó, một số đồ án quy hoạch có chất lượng không cao, năng lực thực hiện của các đơn vị tư vấn còn hạn chế, có hiện tượng sao chép giữa các đồ án quy hoạch; năng lực cán bộ cấp xã còn yếu dẫn đến chất lượng tham mưu cho đồ án quy hoạch và lập đề án xã nông thôn mới còn thấp...Để phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và sự phát triển của địa phương, trong thời gian tới cần tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện các đồ án quy hoạch và đề án đảm bảo tính khoa học và có tính khả thi./.