Đó là những lời tâm sự của anh Trần Văn Nhỏ với chúng tôi khi kể về quản thời gian làm ăn của gia đình trong những năm 2008, 2009.
Anh Trần Văn Nhỏ lập gia đình và làm ăn sinh sống tại thôn Bình An, xã Tam Hòa, xuất thân từ nông dân, quanh năm bằng thế độc canh cây lúa, cây màu như bao đời ông cha ta đã bán mặt cho đất, bán lưng cho trời theo vòng quay của ruộng đồng, nhưng thu nhập cũng chỉ đủ chu cấp cho cuộc sống hằng ngày của gia đình. Vài năm sau đó, gia đình anh cũng như bao gia đình khác cùng khai thác nghề mới hơn - đó là nuôi trồng thủy sản. Qua mấy năm tập trung đầu tư sức người, sức của cho việc nuôi tâm sú hồ đất, kết quả vài năm đầu cũng có lợi nhuận, nhưng càng về sau càng thua lỗ nặng vì nguyên nhân môi trường nước ô nhiểm không thuận lợi cho nghề này.
Từ khi Đảng và nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách mới liên quan đến nông dân – nông nghiệp – nông thôn, nhiều sự trợ giúp đến người nông dân như: vốn, cây trồng, con vật nuôi, tập huấn kỷ thuật chăn nuôi…, cùng với khuyến khích nông dân làm ăn, xây dựng các mô hình kinh tế mới, thúc đẩy phát triển sản xuất và làm giàu trên chính mãnh đất quê hương mình.
Nắm bắt được lợi thế đó, bên cạnh kết hợp với những thuận lợi của điều kiện tự nhiên tại khu vực gia đình anh sinh sống, anh quyết định tìm tòi, học hỏi và đầu tư vào nghề chăn nuôi gia cầm. Tích góp số tiền trong gia đình, đồng thời vay mượn thêm của anh em, bạn bè, anh bắt đầu xây dựng gia trại và thả nuôi vịt siêu đẻ trứng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài, phát triển từng bước” nhằm hạn chế những rủi ro nên anh chỉ đầu tư tăng dần theo từng năm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư khôi phục lại diện tích mặt nước ao nuôi tôm sau nhiều năm bỏ hoang để thả nuôi các loại thủy sản có giá trị cao. Trong năm 2009 – 2010 tổng đàn đã phát triển lên 2.500 con, 02 gia trại có mái che với diện tích 600m2, cùng với 02 ha đất nuôi trồng thủy sản, gia đình anh thu nhập bình quân đã trừ chi phí lãi ròng trên 250 triệu đồng.
Qua tâm sự, anh Trần Văn Nhỏ chia sẻ thêm: “Kinh tế ngày càng phát triển, việc làm ăn ngày càng thuận lợi, đến năm 2011 gia đình tôi đầu tư phát triển thêm, nâng tổng số gia trại năm 2009 là 02 gia trại, đến năm 2011 lên 04 gia trại có mái che, với diện tích 1.050m2, tổng đàn có 3.500 con. Bên cạnh với nghề chăn nuôi gia cầm, gia đình tôi còn chỉnh trang diện tích nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả để khôi phục lại nghề làm muối truyền thống và đưa vào sản xuất muối sạch với diện tích 7.500m2 cho thu hoạch hằng năm từ 65 – 70 triệu đồng, giải quyết cho 2 lao động thường xuyên và 3 lao động thời vụ”.
Để đảm bảo cung cấp nguồn giống nuôi kịp thời, chất lượng cho gia đình và cung cấp cho thị trường, anh tự tìm hiểu học hỏi kỷ thuật và mạnh dạng đóng mới 01 máy ấp gà giống có sức chứa 2000 trứng và 01 máy ấp vịt giống siêu thịt có sức chứa 5000 trứng. Hằng tháng xuất bán khoảng 2000 con gà, vịt giống. Tính đến thời điểm hiện nay, với các loại nghề sản xuất vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa bảo vệ môi trường, tổng thu nhập của gia đình anh đã trừ chi phí lãi ròng trên 350 triệu đồng/năm, nhờ đó vợ chồng anh có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đầy đủ.
Không chỉ chú tâm phát triển kinh tế gia đình, anh Trần Văn Nhỏ còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên hội nông dân và bà con lối xóm, được nhiều người trong thôn tin yêu, quý trọng. Tuy nhiên, để có thành quả như hôm nay, gia đình anh Trần Văn Nhỏ đã trải qua biết bao khó khăn, thậm chí cả thất bại. Nhưng với ý chí không ngại vượt khó để vươn lên, ý thức trách nhiệm của người chủ gia đình, anh đã tự tìm tòi phương thức sản xuất thích hợp với cách chọn con vật nuôi đúng hướng để từng bước phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn và thí điểm cho bà con địa phương học hỏi. Vì thế, nhiều năm liền anh Trần Văn Nhỏ vinh dự được Hội nông dân xã Tam Hòa công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã; được bình xét là hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Anh Trần Văn Nhỏ tâm sự: “Có được kết quả hôm nay, ngoài sự phấn đấu không ngừng của hai vợ chồng tôi, cũng nhờ Đảng và Nhà nước, chính quyền đã quan tâm giúp đỡ, Hội nông dân tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi để cho hiệu quả cao”. Hiện nay Đảng và Nhà nước ta đang có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ. Nếu biết cách tổ chức sản xuất phù hợp theo mô hình khép kín tổng hợp Vườn - Ao - Chuồng thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, và mô hình gia trại của anh Trần Văn Nhỏ ở tại thôn Bình An, xã Tam Hòa là một ví dụ điển hình.
Bùi Chí Ba – Đài truyền thanh Tam Hòa.
|